Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

Làng cổ Đường Lâm với đặc sản Chè Kho - Duong Lam ancient Village





Thời điểm chúng tôi đến thăm Đường Lâm là vào cuối vụ lúa mùa, đường làng ngõ xóm đâu cũng thấy rơm phơi vàng rượm. Mùi lúa mới pha lẫn mùi nắng cuối thu khiến những kỉ niệm tuổi thơ lại ùa về trong tôi.

Tôi sinh ra và một phần tuổi thơ tôi lớn lên trong một ngôi làng nhỏ ở miền núi phía Bắc. Ông bà nội tôi là người gốc Hải Dương nên mang theo cả kiến trúc ngôi nhà gỗ 3 gian của đồng bằng Bắc Bộ về đây. Gia đình tôi không làm nông nhưng hình ảnh đường làng ngõ xóm thơm phức mùi rơm phơi luôn khiến đôi mắt trẻ thơ của tôi háo hức mỗi khi được về thăm quê.

Đi cùng đoàn với tôi hôm đó có cả người Việt Nam và người nước ngoài, có người mới ngoài đôi mươi, có người đã trải nghiệm hơn nửa cuộc đời. Mỗi nền văn hoá khác nhau, mỗi độ tuổi và sự trải nghiệm cuộc sống khác nhau lại tìm thấy ở Đường Lâm một vẻ đẹp khác nhau. Mấy vị khách nước ngoài thích thú với chiếc cối xay thóc cổ nhưng lại nhăn nhó với sự cổ kính của ...nhà vệ sinh. Các bạn trẻ lại coi những bức tường đá ong sù sì đẹp đến hút hồn và những chiếc chum tương là một studio để thoả sức tạo dáng chụp ảnh. Còn các vị khách trung niên thì thích trầm ngâm ngồi bên bộ trường kỷ cũ kỹ và nhấp từng ngụm chè xanh chan chát, mắt đăm chiêu nhìn lên tấm câu đối khảm trai đã hoen ố vì thời gian.

Chúng tôi đến thăm ngôi nhà cổ của gia đình ông Thể. Ngôi nhà này không phải là ngôi nhà cổ nhất trong làng nhưng sự đón tiếp niềm nở, hiếu khách của vị chủ nhà khiến tất cả mọi người trong đoàn tìm thấy nhiều điều thú vị ở đây. Gia đình ông là đời thứ 13 sống trong ngôi nhà này. Ngôi nhà có 7 gian, 2 đĩ, xây theo kiến trúc “tiền kẻ hậu bẩy”, mái cong cánh diều. Ngôi nhà gần như nguyên vẹn từ khi mới xây. Gia đình ông vẫn giữ được những vật dụng cổ do các cụ để lại như giường cổ, tủ chè cổ, sách cổ của Hải Thượng Lãn Ông. Là con cả trong nhà nhưng gia đình ông không giầu, mãi đến năm ngoái nhờ sự giúp đỡ của Sở Du lịch và chính quyền mà ông đã mua được 4 vạn ngói ri cổ về để sửa mái. Sự kiện đó đã khiến cho cụ ông thân sinh ra ông không khỏi xúc động bởi “cả đời cha nghèo nên không thể sửa sang được căn nhà, giờ nhà được sửa cha mừng lắm”. Sau khi nhà sửa được ít lâu thì cụ ông mất. Ông Thể kể lại câu chuyện của cha mình mà trong đôi mắt ông ngân ngấn lệ.



Chủ nhà đãi chúng tôi bằng một bữa cơm quê thịnh soạn gồm cá sông Hồng, thịt gà mía đặc sản, chả nem rán, bánh tẻ, được tráng miệng bằng chè kho và một đĩa chè lam. Trong hơi men êm êm của rượu nếp, chúng tôi được nghe chủ nhà kể chuyện về lịch sử của làng, về những biến cố của dòng tộc, cả những tâm sự đau đáu về giàu nghèo, về sự gìn giữ nét văn hoá cổ trong thời đô thị hoá và nền kinh tế thị trường.

Khi nói về Đường Lâm, ngoài cái tên “đất hai vua” để chỉ về vùng đất sản sinh ra hai vị vua là Ngô Quyền và Phùng Hưng, thì người ta còn gọi Đường Lâm bằng một cái tên rất trìu mến là “làng Việt cổ đá ong”. Không biết có phải vì vẻ bề ngoài ghồ ghề, lỗ chỗ mầu vàng nâu (có người gọi là mầu đỏ gan gà) như tổ ong, mà người ta gọi cái thứ đá đem đến cho những ngôi làng nơi đây một vẻ đẹp rất riêng kia là đá ong. Khi mới đào lên từ lòng đất thì đá ong khá mềm, người dân có thể cắt thành từng viên vuông vức bằng một chiếc khuôn chuyên dụng. Càng để lâu, đá ong càng cứng, càng sần sùi, ghồ ghề, mầu vàng nâu chuyển thành nâu sậm như được tráng một lớp socola vậy. Gạch đá ong được sử dụng ở hầu hết các công trình ở Đường Lâm như xây tường nhà, lát đường, làm bờ kè...



Người Đường Lâm có nghề làm tương nổi tiếng. Nếu tương làng Bần, Hưng Yên lấy đỗ tương làm nguyên liệu chính thì tương của Đường Lâm lại lấy ngô để làm nên hương vị rất khác biệt. Làm tương được coi như bí quyết gia truyền của mỗi nhà. Chính vậy mà người Đường Lâm có câu “tương cà gia bản”. Mấy vị khách nước ngoài cùng đoàn với tôi vốn khó tính với vệ sinh an toàn thực phẩm vậy mà vừa chấm rau cải luộc với tương vừa tấm tắc khen ngon, trước khi rời khỏi nhà ông Thể họ cũng không quên mua thêm mấy chai tương về làm quà.

Từ ngày được công nhận là di tích lịch sử văn hoá quốc gia, du lịch đã khiến ngôi làng có nhiều thay đổi. Ngoài việc ra ruộng làm đồng, ở nhà làm tương, dệt vải hay làm bánh tẻ thì người dân nơi đây còn có thêm một nghề mới là làm du lịch. Cùng với gia đình ông Thể mà chúng tôi đến thăm còn có gia đình ông Huyến, gia đình bà Lan, gia đình ông Hùng cũng có hình thức đón tiếp khách tương tự. Nếu du khách nào muốn được nghỉ qua đêm dưới mái nhà cổ thì các gia đình này cũng cung cấp cả dịch vụ homestay với giá chỉ 50.000đ/đêm. Có gia đình còn mở dịch vụ cho thuê xe đạp để khách có thể thong dong khám phá từng con ngõ, từng ngôi nhà. Thanh niên thì tham gia vào đội ngũ hướng dẫn viên địa phương. Khách đến không chỉ thăm quan mà còn mua các đặc sản về làm quà như tương, chè lam, bánh tẻ. Tiền thu từ vé tham quan cũng được đóng góp để tu bổ các ngôi nhà cổ, các công trình đình chùa. Du lịch không chỉ giúp cuộc sống của người dân nơi đây cải thiện mà còn giúp họ hiểu, trân trọng và gìn giữ mái nhà cổ của mình hơn.



Chia tay Đường Lâm, chiếc xe ô tô 40 chỗ lại đưa chúng tôi trở về Hà Nội, để lại sau lưng bức tranh làng quê xinh đẹp với chiếc cổng làng nhỏ nhắn cùng những cánh đồng lúa trĩu bông đang chờ thu hoạch. Vẫn biết đô thị hoá đang ảnh hưởng rất nhiều lên cuộc sống nơi đây, nhưng tôi vẫn muốn trở lại Đường Lâm vào một ngày không xa.

Bạn có thể đến thăm một số ngôi nhà cổ ở Đường Lâm:

- Nhà ông Thể: Tel: 0343.831.827

- Nhà ông Hùng

- Nhà Bà Lan

- Nhà ông Huyến



Một số thông tin về Đường Lâm:

+ Đường Lâm là một xã thuộc thành phố Sơn Tây, Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 50km.

+ Được trao tặng Di tích lịch sử văn hoá quốc gia ngày 19/5/2006.

+ Đường Lâm có 956 ngôi nhà truyền thống. Trong đó có 140 ngôi nhà hơn 100 tuổi. Có nhà được xây dựng từ những năm 1649 (nhà ông Hùng).

+Văn hoá ẩm thực phong phú: thịt gà Mía, chè Cam Lâm, tương Mông Phụ, kẹo bột Đông Sàng, dưa gang Nam Nguyễn.

+ Một số di tích quan trọng khách du lịch nên tham quan: Lăng Ngô Quyền, Lăng Phùng Hưng, Nhà thờ Giang Văn Minh, Chùa Mía, Đình Mông Phụ, rặng ruối nghìn năm.



Box:

Đường Lâm là một địa chỉ mới trên bản đồ du lịch Việt Nam, là làng cổ đầu tiên được công nhận di tích lịch sử văn hoá quốc gia (2006). Đường Lâm không chỉ đẹp ở nét cổ kính mà còn đẹp ở truyền thống lịch sử hào hùng và đạo học cùng tấm lòng người. Đây là nơi sản sinh ra nhiều danh nhân như vua Ngô Quyền, Bố cái Đại vương Phùng Hưng, Thám hoa Giang Văn Minh, Phó thủ tướng Phan Kế Toại...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét