Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

Thăm làng cổ Đường Lâm với đặc sản Chè Kho

Làng cổ Đường Lâm thuộc thị xã Sơn Tây, cách trung tâm Hà Nội hơn 40km, là một trong những địa chỉ thu hút đông khách du lịch tới thăm vào những ngày cuối tuần. Cái nóng của mùa hè miền Bắc cũng không làm cho bước chân du khách thấy nản. Bởi rời xa được chốn đô thị ồn ào, làng cổ Đường Lâm hấp dẫn những bước chân thích khám phá bằng những nếp nhà cổ kính và không gian văn hóa của một ngôi làng Việt xưa có sức sống trường tồn theo năm tháng.

 
Cổng làng Đường Lâm

Chỉ mất hơn một giờ đồng hồ đi xe, du khách đã có mặt ở làng cổ Đường Lâm. Ngay từ phút đầu tiên đi trên con đường vào làng, khung cảnh hai bên khiến cho du khách thấy thực sự bình yên. Những ruộng lúa đang thì con gái, những ao sen đang chuẩn bị đón hè. Đi qua chiếc cổng làng đi vào thôn Mông Phụ, du khách không nên bỏ lỡ dịp chụp vài tấm ảnh làm kỷ niệm. Vẻ đẹp của chiếc cổng làng không chỉ nằm trong khung cảnh thiên nhiên xanh mát mà còn ở lối kiến trúc. Cổng làng không có gác như nhiều cổng làng khác. Làng cổ Đường Lâm, mỗi góc nhà, mỗi con đường đều mang đặc trưng khác nhau vì thế sẽ đem đến cho du khách nhưng trải nghiệm phong phú.


Ông Nguyễn Trọng An, Phó trưởng ban quản lý làng cổ Đường Lâm, cho biết: "Trong 5 thôn của  làng cổ Đường Lâm thì chúng tôi xác định thôn Mông Phụ là khu vực trung tâm rất nhiều di tích. Trong đó có những loại hình di tích quan trọng như đình, nhà cổ, nhà thờ họ.,.. Bốn thôn còn lại cũng còn nhiều di tích quan trọng . là địa chỉ thường xuyên thu hút du khách đến tham quan"


Một trong ba ngôi nhà cổ nhất

Làng cổ Đường Lâm hiện có gần 1000  ngôi nhà truyền thống trong đó các làng Đông Sàng, Mông Phụ và Cam Có những ngôi nhà được xây dựng từ thế kỷ 17. Khách du lịch đến làng cổ Đường Lâm thường đến thăm nhà ông Huyến, ông Lê, ông Hùng. Đó là những ngôi nhà cổ nhất và đẹp nhất ở thôn Mông Phụ. Điều hấp dẫn là khi đến đây, du khách sẽ được chính người chủ ngôi nhà giới thiệu. Cạnh thôn Mông Phụ là thôn Đông Sàng, có khoảng 10 ngôi nhà cổ, còn giữ được nguyên vẹn đến giờ. Chị Nguyễn Thị Thu Hoài, hướng dẫn viên của Ban quản lý làng cổ Đường Lâm, cho biết: "Tất cả kết cấu ở làng Đường Lâm này giống nhau vì ở cấu trúc chính của nhà vẫn là những hàng chân cột và có lối kiến trúc là chia gian ra. Những nhà ngày xưa là nhà quan giàu có hay địa chủ mới xây dựng được những nhà lớn như vậy . Những nhà nhỏ ngày xưa là nhà tranh vách đất. Những nhà lớn là 5 gian, 2 dĩ hay là 7 gian 2 dĩ . Nhà quan văn hay quan võ thì có những đặc điểm khác nhau . ở đây nhà quan văn thì có nhiều bức hoành phi câu đối được treo trong nhà còn với nhà quan võ thì chủ yếu họa tiết hoa văn bằng rồng hoặc hoa văn theo thời đại."

Nhưng điều khác biệt mà ngôi nhà của Bà Vũ Thị Ấm, một trong những ngôi nhà cổ ở thôn Đông Sàng đó là gian thờ tổ tiên. Ở gian thờ chính  có hình chạm khắc  hoa văn hình đầu rồng mà ở bên thôn  Mông Phụ không có. Hay ngôi nhà của ông Kiều Anh Ban được xây dựng năm 750 dưới triều đại vua Lê Hiển Tông đến nay vẫn còn giữ được nguyên vẹn từ các bục cửa, cánh cửa, các hoa văn. Ông cho biết gian thờ cũng là điều đặc biệt của ngôi nhà: "Gia đình còn giữ được nguyên vẹn đặc biệt là gian giữa để thờ tổ tiên. Một gian giữa dùng để thờ cúng của ngôi nhà thờ đầy đủ được chia làm 4 cấp thờ. Cấp trong cùng là khán thờ dùng để di ảnh, ngai thờ, kế đến là sập thờ để bày biện lễ nghi, lễ vật mỗi khi có cúng, giỗ và thắp hương ở bàn hương án. Khấn xong sẽ đem hạ lễ ở sập gụ cổ ở tầng ngoài cùng để con cháu thụ lộc. Đó là nghi lễ thờ cúng gia tiên được gia đình gìn giữ."

 
Những lối ngõ Đường Lâm

Ngoài các nhà cổ, đến với làng cổ Đường Lâm, du khách còn được thăm chùa Mía, đình Mông Phụ…Tham quan những nghề thủ công, truyền thống ở đây. Bà Lê Thị Kim Nhung, người làng Đường Lâm cho biết: "Làng nghề có nhiều sản phẩm nổi tiếng. Khi đến Đường Lâm mọi người đều biết nghề làm bánh:  có bánh rán, bánh tẻ, bánh chưng, hay làm kẹo như kẹo dồi, lạc, vừng, nhiều nghề truyền thống như mộc, rèn…Chúng tôi cũng mong muốn những nghề truyền thống có từ lâu đời phát triển thì khi khách du lịch đến thăm quan làng cổ Đường Lâm ngoài biết đến làng nghề còn để mua sản phẩm ."

Đặc sản Đường Lâm có món tương nức tiếng không thua kém gì tương Bần-Hưng yên. Hay các món ăn ở làng do chính tay người dân nơi đây chế biến cũng hấp dẫn vô cùng. Chị Aiko, tình nguyện viên đến từ Nhật Bản vô cùng thích thú với những món ăn ở đây: "Đầu tiên đến Đường Lâm, phong cảnh ở đây rất đẹp nhưng người dân chưa biết làm hướng dẫn viên du lịch nhưng nay thì nhân viên của Ban Quản lý và người dân ở đây biết hướng dẫn du lịch rồi. Đường Lâm có nhiều nhà cổ, nhà truyền thống, đặc trưng người dân biết về văn hóa, phong tục của đường Lâm nên du khách đến đây họ có thể hướng dẫn được cho du khách. Tôi ấn tượng nhất là món ăn, người dân Đường Lâm rất giỏi nấu ăn, tôi còn thích các loại kẹo như kẹo lạc, kẹo vừng, chè lam, chè kho…"

Đường sá đi lại thuận tiện và gần với thủ đô Hà Nội nên hầu hết khách du lịch đều đi trong ngày. Đến đây, du khách có thể đi bộ hoặc thuê xe đạp để khám phá tất cả những con đường lát gạch, hay  sà vào bất cứ ngôi nhà cổ nào của người dân Đường Lâm. Một ngày tham quan, khám phá ngôi làng cổ này chắc chắn đem lại cho du khách những cung bậc cảm xúc khác nhau. Trong dịp nghỉ lễ 30/4, bạn hãy dành một ngày để khám phá Đường Lâm, bao điều thú vị đang chờ đón bước chân du khách tới chiêm ngưỡng./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét