Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

Vậy là tôi về làm dâu nhà mẹ đã được 13 năm. Cũng là 13 cái Tết tôi được cùng mẹ chuẩn bị món chè kho ngọt bùi, thơm dịu.
Mẹ chồng tôi kể, món chè kho này mẹ học từ bà ngoại của chồng tôi và mẹ bắt đầu tập làm từ khi còn 14-15 tuổi. Ngày đó, đỗ xanh tách vỏ chưa bày bán nhiều như bây giờ, thậm chí còn nguyên cả hạt đỗ chưa tách đôi. Khi mua về, bà ngoại và mẹ phải dùng một chai 65 để cán đỗ. Đặt một chiếc thớt ở dưới, cho đỗ xanh lên trên rồi dùng cái chai lăn đi lăn lại để đỗ tách làm đôi. Chế biến chè kho hết sức công phu và trải qua nhiều công đoạn. Nào ngâm đỗ, đãi đỗ, đồ đỗ. Tiếp đến là khâu giã đỗ, giã đỗ phải giã mạnh, giã đều tay, có vậy đỗ mới mịn.

Sau khi đỗ đã được giã nhuyễn, mẹ nắm lại thành từng nắm, dùng dao thái lát mỏng cho đỗ tơi ra, lọc kỹ những hạt đỗ không chín bở. Còn nhớ dạo tôi mới về làm dâu, tôi cũng hăng hái xin giã đỗ, nhưng giã được một lúc là hai tay mỏi nhừ. Giã nhẹ nên khi nắm lại, thái ra thấy rõ những chỗ lổn nhổn, chưa mịn. Tôi phải nhờ cậu em chồng mạnh tay giã lại.

Khâu pha chế nước và đường cũng quan trọng không kém. Theo kinh nghiệm của mẹ chồng tôi, thường thì 1kg đỗ xanh sẽ dùng khoảng nửa lít nước và 7-8 lạng đường kính. Để đường ngấm đều vào đỗ thì nên cho đường vào nước đun trước, cho thêm vài hạt muối, sau đó mới đổ đỗ đã tơi vào nồi.

Vừa ngồi khuấy chè, tôi vừa được mẹ truyền kinh nghiệm: "Lúc mới bắc lên bếp, con có thể để lửa to, nhưng khi nồi chè bắt đầu sôi, con nên vặn nhỏ lửa và phải luôn khuấy đều tay, khuấy đũa xuống tận đáy nồi, có như vậy chè mới không bị sém. Con nhớ là không nên sốt ruột vặn lửa to cho chè nhanh cạn nước, vì như vậy chè rất dễ bị khê, còn nếu ngay từ đầu con cho ít nước, chè nấu không đủ độ, dễ bị khô khiến bề mặt chè bị nứt, trông không đẹp và chè cũng nhanh thiu". "Thế khi nào thì chè được hả mẹ? Chắc cũng phải mất mấy tiếng đồng hồ ấy mẹ nhỉ!?". Mẹ chồng tôi cười hiền từ "Con dùng chiếc đũa khuấy chè, nhúng vào nồi chè rồi vẩy nhẹ chè vào một chiếc bát sạch. Nếu chè không bị dính bết vào bát mà dóc bát thì khi đó chè kho đã được".

Vừa múc chè ra những chiếc đĩa nhỏ xinh, mẹ chồng tôi vừa bảo: "Đĩa này để cúng giao thừa, đĩa kia cúng sáng mồng 1, những đĩa khác để tiếp khách quý..., con nhớ nhé, chè kho chỉ nên đựng trong những chiếc đĩa nhỏ nhỏ và hơi sâu lòng một chút. Đây là một món ăn vô cùng giản dị những lại hết sức thanh tao của người Hà Nội xưa đấy con ạ!

Mẹ tôi nhẹ nhàng rắc những hạt vừng trắng đã rang thơm lên trên, sau đó dùng chiếc thìa khô ấn nhẹ cho chè mịn đều. Và bao giờ cũng vậy, chờ chè nguội mẹ chồng tôi dùng chiếc dao mỏng, xắt chè làm 8 miếng nhỏ hình hoa thị và cả nhà quây quần bên ấm trà sen. Vị ngọt bùi của chè kho, vị chan chát của trà, hương thơm của vừng rang, tất cả đan quyện vào nhau tạo nên một hương vị Tết thật khó quên!

Dịp áp Tết Nhâm Thìn vừa rồi không may mẹ chồng tôi lại phải nằm viện. Mẹ buồn rầu: "Có lẽ Tết này mẹ không làm được chè kho rồi!". Tôi động viên mẹ: "Mẹ ơi! Chắc ngày mai, mẹ sẽ ra viện thôi mà, mẹ chỉ cần ngồi một chỗ "tổng chỉ huy", chúng con sẽ thay mẹ làm chè, Tết này nhất định gia đình mình vẫn có chè để cúng Giao thừa, cúng mồng 1". "Ừ, nếu thế thì mẹ yên tâm, mặc dù trên bàn thờ gia tiên của gia đình mình đã có nhiều hoa quả, bánh, mứt, kẹo nhưng mẹ vẫn mong có một đĩa chè kho để mời ông bà, tổ tiên con ạ!".
    Diệp Thư   

Trong những ngày Tết Nguyên Đán, bên cạnh bánh chưng, dưa hành, giò, chả... nhiều gia đình Việt Nam thường làm món chè kho đãi khách.

Người Việt gọi là chè kho vừa để phân biệt với các loại chè đỗ xanh khác, vừa nói lên sự kỳ công khi làm món chè này.

Chè được nấu từ đỗ xanh, đường, hương hoa bưởi. Chè kho ngon phải đạt độ vàng sánh mịn, thật khô, ngọt đậm và thơm. Khi múc chè ra đĩa rắc lên mặt một lớp vừng trắng đã đãi sạch và rang.

Cái độc đáo của món ăn này là để được lâu mà không cần bảo quản cầu kỳ bởi lẽ nó sử dụng lượng đường nhiều hơn so với những món ăn ngọt khác.

Hương vị của chè kho thật đặc biệt, ăn vừa mát, vừa mềm dẻo, vừa có độ mịn và thơm ngon của đỗ xanh lại có mùi hương thoang thoảng của hoa bưởi. Ngày Tết, miếng chè kho giúp làm giảm đi cái cảm giác chán ngán do thức ăn nhiều chất đạm, chất béo.

1. Nguyên liệu:

- Đậu xanh: 1kg
- Đường: 1kg
- Vừng trắng: 100gr rang vàng
- Nước ấm
- Một chút hương hoa bưởi

2. Cách làm:

- Chọn đỗ xanh hạt tiêu xay vỡ đôi (hạt nhỏ lòng vàng). Sau khi ngâm đỗ nửa ngày, đem ra đãi vỏ, rắc vào vài hạt muối, để ráo nước rồi đem đồ trong chõ.

- Đỗ xanh đồ chín đem giã nhuyễn, nắm thành từng nắm. Dùng dao thái lát mỏng cho đỗ tơi và mịn.

- Cho đường trắng vào nước ấm đánh cho tan đường, trộn đều với đậu và đem đun nhỏ lửa, khuấy đều tay, gần được thì cho một chút hương hoa bưởi.

- Yêu cầu khi nấu chè kho phải đạt độ vàng, ngọt đậm và thơm. Khi múc chè kho ra đĩa phủ một lớp vừng trắng đã rang vàng lên. Chè kho để nguội hãy xắt ra từng miếng hình hoa thị và thưởng thức./.

(Báo Ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Dân dã món chè kho

Vị bùi, thơm đậm đà cộng thêm chút quyện dẻo của đậu xanh, vị ngọt đượm của mật mía, hương bưởi phảng phất, vị nồng thơm của thảo quả, quế chi…tất cả đã đánh thức giác quan người thưởng thức món chè kho độc đáo của người Việt.
Ở nước ta chè kho là món ăn không phổ biến mấy, ngoài một số tỉnh như Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định…thì chè kho Bắc Giang cũng rất nổi tiếng. Là món ăn xuất hiện nhiều trong các ngày lễ tết của dân tộc, của làng quê, những lúc nông nhàn hay mùa vụ đã xong nhân dân lại làm chè kho cho cả gia đình thưởng thức sum vầy, quây quần bên nhau đầm ấm.
Các công đoạn làm chè kho cũng không quá cầu kỳ nhưng đòi hỏi phải có sự khéo léo và kinh nghiệm của người làm. Để có món chè kho thì nguyên liệu chính không thể thiếu được là đỗ xanh, chọn loại đỗ hạt mẩy, lòng vàng óng nhặt sạch đem ngâm trong nước chừng 4-5 giờ đồng hồ, mật mía hay đường, thảo quả, quế chi và hương liệu hoặc tinh dầu hoa bưởi.
Ngâm đỗ xanh đến lúc vỏ đã nở trương thì đãi sạch lớp vỏ bên ngoài bỏ đi, vớt hạt lòng vàng ra rá để ráo nước rồi trộn thêm chút muối cho đậm đà, đem vào nồi đồ như đồ xôi, sao cho hạt đỗ xanh nở bung và chín nhừ rồi bắc ra. Công đoạn tiếp theo là bỏ đỗ đã chín nhừ vào cối giã cho thật nhừ, nhuyễn và mịn dẻo quyện vào nhau.
Đem tất cả đỗ xanh đã giã vào nồi, bỏ thêm mật mía hay đường đã hòa tan rồi bắc lên bếp đun đều lửa, công đoạn này cần có  kinh nghiệm của người đầu bếp, điều chỉnh ngọn lửa sao cho cháy liu riu để nồi chè kho không bị cháy khê đồng thời dùng đũa cả quấy đều tay sao cho chè kho không bị đóng bánh, đóng hòn, quấy đến khi nào bốc hơi nước gần hết và nồi chè kho đặc quyện và sánh vào nhau là được, khi chuẩn bị bắc nồi chè kho xuống bếp người ta bỏ tinh dầu hoa bưởi, thảo quả, quế chi vào nồi quấy đều.
Sau khi chè kho đã được nấu xong ta múc ra đĩa và rắc một lớp hạt vừng rang lên trên lớp mặt vừa để trang trí vừa cho chè kho có phần thơm và béo ngậy. Cắt từng lát chè kho trên đĩa theo hình hoa thị, trông thật đẹp mắt, cuốn hút, chè kho nấu xong có màu vàng nhạt xen lẫn màu nâu, thưởng thức chè kho thường là lúc nguội sẽ ngon hơn.

Ngọt bùi chè kho

Cũng như nhiều gia đình miền Bắc, chè kho là món không thể thiếu trên bàn thờ ngày Tết ở nhà chồng tôi. Năm đầu về làm dâu, mẹ chồng dạy tôi nấu món ấy. Dù đã được thưởng thức, nhưng đó là lần đầu tiên tôi biết chè kho được nấu như thế nào.

Từ trước Tết, mẹ chồng tôi đã chuẩn bị rất kỹ nguyên liệu chính là đỗ xanh. Phải là đỗ xanh lòng vàng, nhặt kỹ hết sạn, hạt sâu, hạt lép, hạt đỗ "nhọn đít" (những hạt này không thể chín, cứ rắn đanh dù nấu kỹ). Đường cát trắng, vừng xát vỏ, chút nước hoa bưởi hay vani cũng được chuẩn bị.
Đỗ xanh được ngâm nước ấm từ đêm 29 Tết, sáng 30 đem đãi sạch vỏ. Đỗ để ráo, rắc chút muối rồi đem thổi hoặc đồ lên cho chín. Chõ đậu chín vàng ươm, bở tơi, bốc hơi thơm ngậy được cho vào cối giã nhuyễn, nắm thành từng nắm. Đứa em thập thò được chị dâu dúi cho một nắm con con, chạy biến.
Mẹ lấy con dao thật sắc, lưỡi mỏng, nhanh tay thái từng nắm đỗ đã nguội. Bột đậu rơi xuống đều đặn tơi mịn.
Nồi chè kho luôn được mẹ chồng tôi nấu vào tối 30 Tết, khi bữa cơm tất niên đã dọn dẹp xong. Mẹ lấy lượng đường ngang bằng lượng đậu, cho vào chút nước rồi đặt lên nấu cho tan. Đun nhỏ lửa thôi, nước đường sôi liu riu đến khi đặc sánh lại gọi là đường "đến". Mẹ luôn đặt bát nước lã bên cạnh, thỉnh thoảng nhúng đầu đũa vào nước đường rồi nhanh tay nhỏ vào bát nước. Khi giọt đường không tan loãng ra mà vo tròn lại ở đáy bát, ấy là đường đã "đến" rồi.
Mẹ bắc nồi nước đường xuống, bóp tơi bột đậu rắc dần vào nồi nước đường, tay kia vẫn không ngừng quấy bằng chiếc đũa cả. Sau đó là công đoạn tốn sức và phải chú ý nhất. Đặt nồi bột lên bếp, đun nhỏ lửa, đều tay quấy liên tục. Bởi nếu ngơi tay quấy hoặc quấy không chú tâm là bột sẽ vón lại, đường bén nồi và khi ấy thì khó chữa lắm. Tay đũa nặng dần, bột đậu quánh lại, càng phải dùng sức nhiều hơn. Khi đường bám quanh thành nồi đã trắng ra là chè đã được. Mẹ cho chút vani hay nước hoa bưởi, hương thơm nhẹ mát tỏa ngát thật quyến rũ.
Rồi mẹ múc chè ra những chiếc đĩa nhỏ xinh xắn được chuẩn bị từ trước, nhẹ tay sửa cho đĩa chè mịn đều. Vừng xát vỏ rang vàng sau đó được rắc lên mặt đĩa chè. Mâm chè vàng thơm hoàn toàn được mẹ đậy lồng bàn rất cẩn thận.
Những năm đầu làm dâu, tôi ngại tiết mục nấu chè kho lắm. Những ngày giáp Tết thường giá rét, để đãi xong chậu đậu, đôi tay người đãi đỏ ửng, lạnh cóng. Có năm quên tí muối, năm thì quá tay nước nên đỗ nát, ướt nhoẹt. Rồi cả mấy chục phút ngồi quậy nồi bột bở hơi tai, mỏi rã cả tay. Nếu vì mỏi tay mà bắc ra sớm, đường chưa "đến" thì chè sẽ bị ướt, chảy nước. Nhớ nhất có năm vì mải khách tới, mẹ lại không có nhà, tôi đã quên nồi chè đang quậy dở. Khi nhớ ra thì bột đã khét, không còn cách nào cứu nổi.
Tôi lo xanh mặt vì đó là món không thể thiếu trên bàn thờ lúc cúng giao thừa. Chỉ còn hơn một giờ nữa là giao thừa, tôi và chồng cuống quýt nấu nước sôi, ngâm đỗ mới, đãi vỏ, thổi chín, giã nhuyễn, nắm lại, thái ra... Rồi vợ chồng thay nhau quấy, vừa làm vừa nhìn đồng hồ. Thật may mắn, những đĩa chè kho xinh xắn đạt yêu cầu hoàn thành vừa vặn trước 0 giờ đúng 5 phút!
Phút sang canh, khi đất trời thiêng liêng trong thời khắc chuyển tiếp, bàn thờ sáng đèn nến, nghi ngút khói nhang thơm, những đĩa chè kho được bố chồng tôi kính cẩn đặt lên dâng tổ tiên. Món chè kho không cao sang nhưng tôi cảm nhận được sự thành kính của mẹ chồng mình trong cách làm thật cẩn thận, kỳ công. Đĩa chè đủ ngọt thơm bùi béo đậm đà mà thanh khiết, được lưu trên bàn thờ suốt mấy ngày Tết. Chè kho để được lâu vì lượng đường nhiều, đủ bảo quản chè không hỏng.
Cúng xong, cả nhà quây quần chúc Tết. Chồng tôi pha ấm trà thật ngon. Tôi cắt đĩa chè hình hoa thị bằng con dao mỏng sắc. Những lát chè mịn màng, cầm không dính tay. Cả nhà nâng chén trà nóng thơm, nhấm nháp lát chè kho mềm mịn. Vị chè kho ngọt thanh quyện với hương trà thơm ngát, khói nhang đầm ấm trong phút giây đầu năm mới, để cả nhà thanh thản trong thương yêu, mong một năm mới với những điều tốt lành... Những ngày Tết, khách quý đến, bố mời dùng lát chè thơm ngọt với chén trà sen, câu chuyện ngày xuân càng đậm đà ý vị...
Đến bây giờ, mẹ chồng tôi vẫn giữ nếp nhà trong đĩa chè kho ngày 30 Tết. Món ăn giản dị nhưng đậm đà ấy ẩn chứa cả sự khéo léo tần tảo của người đàn bà trong gia đình. Sâu xa hơn nữa là để con cháu biết trân trọng thành kính với ông cha. Chè kho cũng trở thành nét riêng trong gia đình nhỏ của tôi, dù ở xa quê, mỗi khi Tết đến...

 

Chè kho

Chè kho là một trong những món ăn ngày Tết không thể thiếu. Được làm từ các nguyên liệu đơn giản: đỗ xanh và đường trắng, thêm một chút vani nữa, trên điểm mấy hạt vừng rang kỹ.  Ấy thế mà món ăn có một vị trí thật đặc biệt.  Đĩa bánh vàng được đơm gọn ghẽ trên chiếc đĩa sứ trắng phau, bày lên bàn thờ tổ tiên.  Bánh, mứt, kẹo là để khi đãi khách đến.  Mấy ngày trong Tết, bữa cơm với chiếc bánh chưng, bát canh măng, đĩa bóng xào, với nào nộm nào gỏi… tráng miệng chỉ bằng thứ bánh thanh tao này và một tách trà hoa Cúc thôi.
Chè Kho phải được bày lên đĩa, đong bằng đĩa.  Chiếc đĩa men sứ cũng chính là chiếc “khuôn”. Định nén chè vào những chiếc khuôn bóng bẩy đẹp đẽ, nhưng nghĩ lại… như thế không ra chè kho nữa rồi. Miếng chè phải có hình quạt cắt thành từng miếng nhỏ vừa cầm tay.  Đừng bao giờ đơm chè vào đĩa to quá,;và nếu có biếu ai, thì hãy gói chè bằng miếng lá chuối xanh mướt, buộc ở ngoài sợi lạt đỏ nữa nhé.
Công thức:
Nguyên liệu:
- 500g đỗ xanh
- 300g đường
- 1 chút vani
- 1 chút muối
Cách làm:
Chè  Kho có hai cách nấu. Tất cả hai cách đều phải chọn đỗ xanh thật ngon, vàng, bở tơi.  Vò đỗ, ngâm nước cho nở, sau đó lại đãi sạch. Vớt đỗ để ráo nước.
Cách khuấy chè từ bột: Đỗ sau khi đã được ngâm sạch thì đem rang khô, xay thành bột mịn.  Khi nấu, hòa bột vào với nước và đường, chút muối. Đặt lên bếp khuấy từ từ cho đến khi chè chín, sánh đặc.
Cách “kho” chè từ đỗ chín: Hấp chín đỗ, giã tơi khi đỗ còn nóng. Rây qua rây cho thật mịn.  Loại bỏ những hạt đỗ sượng.  Trộn đường và nhúm muối, xào khô trên bếp.
Cuối cùng đơm ra đĩa, rắc vừng đã rang vàng lên trên.
Chè kho không cần bảo quản trong tủ lạnh mà có thể để ngoài 7-10 ngày bởi là món có lượng đường tương đối nhiều.  Trong khi làm cũng cần sử dụng dụng cụ thật sạch sẽ.
——
Note: Trang mới “TẾT NGUYÊN ĐÁN” đã được đưa lên 1 tab tại đầu trang để tiện tra cứu các món có thể dùng trong dịp Tết.